Hai công ty Trung Quốc – hãng sản xuất ô tô điện Neta và công ty sản xuất máy đúc khuôn LK Technology – tuyên bố sẽ phối hợp phát triển máy đúc khuôn loại 20.000 tấn, dự kiến sẽ giảm thời gian sản xuất khung xe hơi từ 1-2 giờ xuống còn 1-2 phút.
Đây là một trong những nỗ lực của các nhà sản xuất ô tô nhằm phát triển các phương pháp sản xuất và máy móc thiết bị ngành đúc tiên tiến hơn giữa lúc thị trường xe hơi điện ngày càng được mở rộng.
Neta, thuộc sở hữu của Hozon Auto có trụ sở tại Trung Quốc, cho biết công ty đã ký thỏa thuận chiến lược với LK Technology vào ngày 18/12/2023 để phát triển máy đúc khuôn, được cho là lớn nhất thế giới. Công ty xe điện cũng sẽ mua nhiều thiết bị đúc khuôn cải tiến, cỡ lớn từ LK Technology.
Theo thông cáo báo chí, hai công ty sẽ thành lập một liên doanh ở tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Neta cho biết các hãng xe điện muốn sở hữu kỹ thuật đúc khuôn tích hợp tiên tiến để chế tạo khung chất lượng cao, đồng thời cắt giảm thời gian sản xuất. Hàng loạt hãng ô tô Trung Quốc như Aito, Nio, Xpeng và Li Auto đã đầu tư vào công nghệ đúc khuôn mới.
Theo Neta, hiện nhiều hãng sản xuất ô tô sử dụng máy đúc khuôn có lực ép từ 6.000 – 9.000 tấn. Chẳng hạn, Tesla và Aito sử dụng máy 9.000 tấn, trong khi Zeekr dùng thiết bị 7.200 tấn. Như vậy, nếu thành công thì dự án phát triển máy đúc khuôn 20.000 tấn của Neta và LK Technology sẽ trở thành thiết bị thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Neta đặt mục tiêu bán hơn một triệu xe điện trên toàn thế giới vào năm 2026. Trang CnEVPost đưa tin, nhà sản xuất ô tô này sẽ mở rộng tới hơn 50 thị trường và đặt mục tiêu bán 100.000 ô tô ở nước ngoài vào năm 2024. Vì thế, việc đầu tư phát triển máy đúc khuôn sẽ giúp công ty đạt được mục tiêu đề ra.
So với phương pháp sản xuất truyền thống, theo Neta, kỹ thuật đúc khuôn tích hợp giúp giảm số lượng linh kiện ô tô và chi phí sản xuất. Kỹ thuật này đồng thời cắt giảm thời gian cần thiết để chế tạo khung xe từ 1-2 giờ xuống còn chưa đầy 2 phút, góp phần làm giảm trọng lượng của thân xe.
Hãng xe Mỹ Tesla áp dụng kỹ thuật đúc khuôn tích hợp và sử dụng máy đúc cỡ lớn, gọi là “gigacasting”. Các hãng khác như Huyndai, Ford và Toyota cũng nghiên cứu kỹ thuật này.
Vào tháng 9/2023, Toyota đã giới thiệu thiết bị gigacasting tại nhà máy Myochi ở Nhật Bản. Theo trang Nikkei Asia, thiết bị này có thể sản xuất 1/3 thân xe trong khoảng 3 phút, trong khi quá trình phức tạp này thường mất hàng giờ.
——————————————————————