Đúc khuôn vỏ mỏng là một kỹ thuật đúc phổ biến được sử dụng để sản xuất vật đúc kim loại chất lượng cao với hình dạng phức tạp và bề mặt hoàn thiện tốt hơn. Trong những năm qua, ngành đúc khuôn vỏ đã chứng kiến những thay đổi và cải tiến đáng kể nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và chất lượng tổng thể của quá trình đúc.
Trong bài viết này, Thiết bị Phong Đạt điểm lại những cải tiến trong ngành đúc khuôn vỏ mỏng.
Một trong số những cải tiến đáng chú ý là ứng dụng các loại vật liệu và lớp phủ tiên tiến, theo nghiên cứu của chuyên gia Vishal N. Kaila tại Trường Government Polytechnic College (Ấn Độ). Các vật liệu như vỏ gốm (ceramic) và vật liệu chịu lửa có đặc tính cơ học, khả năng chịu nhiệt tốt hơn dần thay thế những vật liệu trước đây, giúp cải thiện chất lượng cũng như độ chính xác về kích thước của vật đúc.
Bên cạnh đó, việc sử dụng lớp phủ (coating) chuyên dụng giúp ngăn chặn hiện tượng xâm nhập của kim loại, giảm khuyết tật đúc và nâng cao độ bóng bề mặt. Hiện tượng xâm nhập của kim loại xảy ra ở các cạnh của khuôn, ở đó kim loại vẫn ở dạng lỏng, không hóa rắn theo đúng quy trình dẫn đến lỗi vật đúc.
Những ứng dụng phần mềm mô phỏng và kỹ thuật đúc có sự hỗ trợ từ máy tính (CAE) góp phần tối ưu hóa quy trình đúc khuôn vỏ mỏng, theo tạp chí chuyên ngành International Journal of Engineering Research & Technology (IJERT).
Thông qua mô hình và phân tích trên phần mềm, xưởng đúc có thể dự đoán và tối ưu hóa những thông số quan trọng như độ hóa rắn kim loại và tốc độ làm mát. Việc sử dụng các phần mềm mô phỏng mang lại độ chính xác cao hơn, giảm số lần thử nghiệm, giảm thiểu sai sót, đồng thời tiết kiệm thời gian và tài nguyên.
Tự động hóa và robot làm thay đổi đáng kể ngành công nghiệp đúc khuôn vỏ mỏng. Những hệ thống tự động, như hệ thống xử lý mẫu vật đúc và và phủ vỏ bằng cánh tay robot giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, đảm bảo tính đồng bộ trong quy trình, giảm thiểu sử dụng nhiều lao động, theo IJERT. Bên cạnh đó, cánh tay robot đóng một vai trò quan trọng trong việc xử lý và đổ kim loại nóng chảy vào khuôn, đảm bảo sự tính chính xác trong quá trình đúc.
Những tiến bộ trong kỹ thuật tạo khuôn đã góp phần nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng đúc. Trong những năm qua, sự ra đời của máy đúc chính xác và máy tạo lõi, in 3D và hệ thống robot đã nâng cao độ chính xác trong quá trình tạo khuôn vỏ mỏng. Điều này giúp doanh nghiệp tạo ra mẫu vật đúc ngày càng phức tạp, chính xác hơn, giảm lãng phí vật liệu và đẩy nhanh chu kỳ sản xuất.
Hệ thống giám sát quy trình và kiểm soát chất lượng theo thời gian thực (real time) ngày càng phổ biến và đây là một cải tiến trong ngành đúc khuôn vỏ mỏng. Những bộ cảm biến và thiết bị đo được sử dụng để theo dõi các thông số quan trọng của quy trình đúc khuôn vỏ mỏng như: nhiệt độ, áp suất và tốc độ hóa rắn. Dữ liệu này cho phép người vận hành máy móc thiết bị ngành đúc phát hiện những điểm bất thường, tối ưu hóa các tham số và đảm bảo chất lượng đúc ổn định.
Một cải tiến trong ngành đúc khuôn vỏ mỏng là phương pháp sản xuất bền vững. Nhiều hệ thống chất kết dính thân thiện với môi trường và quy trình tái chế ra đời góp phần làm giảm những loại chất thải gây hại cho môi trường.
Ngoài ra, các hệ thống nấu chảy và tái chế tiết kiệm năng lượng cũng được ứng dụng để bảo tồn tài nguyên, giảm lượng khí thải, giúp quá trình sản xuất bền vững và tiết kiệm chi phí hơn.
Tóm lại, trong những năm qua, chúng ta chứng kiến nhiều cải tiến trong ngành đúc khuôn vỏ mỏng từ vật liệu, quy trình cho đến công nghệ và sản xuất bền vững.
——————————————————————