Máy đúc nhôm áp lực cao – kết hợp 60 bộ phận thành một module duy nhất – của tập đoàn IDRA Group giúp các nhà sản xuất ô tô đơn giản hóa việc sản xuất và cắt giảm chi phí tới 40%.
Chương trình Giga Press do tập đoàn IDRA Group (Ý) khởi xướng tạo ra những cỗ máy đúc nhôm áp lực cao phục vụ hãng Tesla (Mỹ). Tesla đi tiên phong trong việc sử dụng máy đúc kim loại khổng lồ (còn được gọi là Giga Press) để tạo ra mảnh gầm xe lớn, đơn giản hóa quá trình sản xuất và giảm bớt công việc cho cả những cánh tay robot, theo Reuters.
Tính đến năm 2020, Giga Press là loại máy đúc khuôn áp lực cao lớn nhất được sản xuất, với lực ép gần 7.000 tấn. Giga Press 9,000 – phiên mới nhất – có kích thước bằng một ngôi nhà nhỏ và tạo ra lực kẹp hơn 9.000 tấn.
Hãng Tesla bắt đầu sử dụng OL 6100 CS Giga Press vào cuối năm 2020 để sản xuất các bộ phận khung gầm cho mẫu Tesla Model Y. Trong quy trình đúc, nhôm nóng chảy nặng 80 kg được bơm vào khuôn đúc buồng lạnh, với vận tốc 10 mét/giây (36 km/h), chu kỳ đúc cực nhanh, 1-2 phút/lần.
Tesla đã vận hành Giga Press ở tất cả các cơ sở của mình và cho rằng họ có thể tạo ra mẫu Model Y trong 10 giờ – nhanh hơn khoảng ba lần so với ô tô điện của các đối thủ cạnh tranh.
Còn IDRA, được tập đoàn LK Industries của Trung Quốc tiếp quản vào năm 2008, phát triển Giga Press từ năm 2016. Các đối thủ cạnh tranh của IDRA và LK bao gồm Buhler Group ở Châu Âu, Ube Corp. và Shibaura Machine ở Nhật Bản, và Yizumi ở Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Apollo Reports, thị trường đúc nhôm toàn cầu trị giá gần 73 tỷ USD vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt 126 tỷ USD vào năm 2032. Nhôm được đánh giá cao vì có trọng lượng nhẹ, dùng để sản xuất linh kiện ô tô, bao gồm cả động cơ.
Một số chuyên gia cho rằng quy trình đúc bằng Giga Press tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng bởi vì một lỗ hổng duy nhất có thể ảnh hưởng đến toàn bộ module và việc sửa chữa khó khăn hơn nếu có sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, ngành sản xuất phải chật vật duy trì tỷ suất lợi nhuận giữa lúc giá nguyên liệu thô tăng cao. Vì thế, các nhà sản xuất ô tô như Toyota, General Motors, Hyundai, Volvo Cars và công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc Nio cũng cần những đối tác như IDRA.
“Ý tưởng cơ bản là cung cấp một công nghệ đơn giản hóa quy trình sản xuất ô tô”, tổng giám đốc IDRA Riccardo Ferrario nói với Reuters. Các nhà sản xuất ô tô sử dụng Giga Press cho rằng họ có thể giảm 40% khoản đầu tư cần thiết để chế tạo khung gầm – bộ phận đắt thứ hai sau động cơ – và giảm 30% chi phí trung bình cho các linh kiện khác, ông Ferrario cho biết.
Ông Ferrario dự đoán 80% các nhà sản xuất ô tô sẽ sử dụng Giga Press vào năm 2035, ít nhất là đối với những chiếc xe điện”. “Liệu rằng chúng ta có cần những máy gigapress lớn hơn nữa không?”, ông Ferrario nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả nhà sản xuất ô tô nhận thấy Giga Press là loại máy móc thiết bị ngành đúc mang lại lợi ích cho quy trình sản xuất.
Một số chuyên cho rằng việc đúc khuôn theo module lớn đòi hỏi thiết kế sản phẩm phải “siêu chắc chắn”. Bên cạnh đó, việc sửa lỗi thiết kế dễ dàng hơn nhiều với thân máy được tạo thành từ nhiều bộ phận nhỏ thay vì một module duy nhất.
Sau khi cân nhắc dùng Giga Press cho mẫu Trinity sắp ra mắt, hãng Volkswagen đã rút lui, trong khi BMW chưa bao giờ bày tỏ sự quan tâm với cỗ máy đúc ép khổng lồ này.
——————————————————————