Quy mô thị trường ngành đúc phụ tùng ô tô bằng nhôm ước tính đạt 27,68 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 41,55 tỷ USD vào năm 2029.
Trong giai đoạn 2024-2029, nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại xe hạng nhẹ và xu hướng dùng vật liệu nhôm sản xuất phụ tùng ô tô sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường ngành đúc nhôm, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence (Mỹ).
Bên cạnh đó, một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ngành đúc nhôm là nhu cầu về ô tô điện và xe hơi hybrid (dùng nhiên liệu lẫn điện) ngày càng tăng. Vì vậy, các nhà sản xuất ô tô tập trung vào vật liệu nhẹ như nhôm để thay thế cho sắt, thép, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường sản xuất ô tô kể từ năm 2022.
Chẳng hạn, vào tháng 8/2022, công ty Wecan Group (Trung Quốc) đã đầu tư 1 tỷ nhân dân tệ (140 triệu USD) để xây dựng cơ sở sản xuất phụ tùng đúc bằng nhôm cho dòng xe điện tại Khu Phát triển Kinh tế và Công nghệ Lu’an, tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Vào tháng 5/2022, Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Nhỏ Tamil Nadu (Ấn Độ) đầu tư số tiền 5,8 crore INR (khoảng 0,70 triệu USD) để thành lập một trung tâm cơ sở chung để đúc nhôm áp suất cao.
Nhôm ngày càng được ưa chuộng nhờ vào sự phát triển của công nghệ xe hybrid và ô tô điện. Chẳng hạn, ở thị trường Mỹ, kể từ năm 2016, hàm lượng nhôm trong mỗi ô tô tăng lên 28kg. Đến năm 2020, tổng hàm lượng nhôm trong xe là 208kg, dự kiến sẽ đạt 258kg vào năm 20230.
Dự kiến đến năm 2026, lượng nhôm trong mỗi xe tải hạng nhẹ sẽ là 250kg. Xu hướng này tập trung ở ba lĩnh vực: sản xuất thân xe bằng nhôm, đúc và ép đùn. Một ví dụ điển hình là dòng xe Model-S BEV của hãng Tesla, sử dụng hơn 360kg nhôm cho các bộ phận.
Dù thị trường ngành đúc nhôm được dự đoán sẽ phát triển mạnh từ năm 2024, nhưng có nguy cơ bị hạn chế do sự biến động của giá nhôm xuất phát từ những lệnh trừng phạt kinh tế và tranh chấp thương mại giữa các quốc gia. Ngoài ra, các công nghệ đúc mới (như in 3D) trong ngành công nghiệp ô tô cũng có tác động đáng kể đối với ngành đúc.
——————————————————————